Ngôi nhà Đức – công trình kiến trúc xanh chuẩn quốc tế đầu tiên ở Việt Nam

Ngôi nhà Đức – công trình kiến trúc xanh chuẩn quốc tế đầu tiên ở Việt Nam

KTS Nikolaus Goetze thiết kế Ngôi nhà Đức tại TP HCM theo kiểu công trình kiến trúc xanh, tiêu thụ năng lượng thấp và thân thiện với môi trường.

Trong khuôn khổ Tuyên bố Hà Nội năm 2011, Thủ tướng Angela Merkel ký kết quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam. Chính phủ Đức cam kết thuê khu đất 99 năm để xây dựng công trình phức hợp tại TP HCM, mang tên Ngôi nhà Đức. Tòa nhà sẽ là trụ sở của Tổng lãnh sự quán Đức, nơi hoạt động của doanh nghiệp, trung tâm văn hóa xã hội và kinh tế của Đức tại Việt Nam. Nằm tại góc đường Lê Duẩn và Lê Văn Hưu, quận 1, công trình được khởi công năm 2015, khánh thành 2017, gồm 25 tầng nổi, 4 tầng hầm, diện tích sàn 30.000 m2.

Là một trong những tác giả chính của công trình, KTS Nikolaus Goetze, Giám đốc điều hành gmp – đơn vị thiết kế đến từ CHLB Đức, cho biết khi nhận lời thiết kế Ngôi nhà Đức, ông và cộng sự trăn trở rất nhiều. Một mặt nhóm cần nghiên cứu kỹ giải pháp công nghệ tiên tiến nào trong thiết kế nhằm đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, xem xét sự phù hợp với môi trường khí hậu nhiệt đới tại TP HCM. Mặt khác nhóm phải làm thế nào để thiết kế không gian văn hóa mang đặc thù Đức, tạo cảm giác thân thuộc, gần gũi như ở nhà cho các tổ chức, cơ quan Đức làm việc tại tòa nhà.

“Chúng tôi muốn xây dựng công trình đầu tiên ở Việt Nam tuân thủ các tiêu chí phát triển bền vững của Hội đồng Xây dựng bền vững của Đức (DGNB). Nhóm mong được nhận chứng chỉ vàng và xa hơn là chứng chỉ đầu tiên của Đông Nam Á trao cho thiết kế công trình”, ông Nikolaus nói.

Với Nikolaus, đó không hẳn chỉ là ước mơ đơn thuần của kiến trúc sư mà sâu xa hơn cả là tình cảm của người dân Đức đối với Việt Nam, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ song phương Việt – Đức.

Ngôi nhà Đức nằm tại góc đường Lê Duẩn và Lê Văn Hưu, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Ảnh: gmp

Năm 2014, khi xu thế về công trình xanh mới xuất phát ở một vài quốc gia phát triển và định nghĩa về xây dựng công trình xanh tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam còn chưa rõ ràng thì mong ước của KTS Nikolaus Goetze là thách thức lớn.

Đa phần tòa cao ốc truyền thống ở Việt Nam thời điểm đó thiết kế đơn giản với lớp kính chống nắng đơn thuần. Khi làm việc gần cửa sổ, người bên trong không thoải mái vì nắng nóng xuyên qua lớp kính, đặc biệt là ở hướng tây tòa nhà. Để chống nóng với nền nhiệt độ cao quanh năm tại TP HCM, nhiều tòa nhà phải lắp hệ thống điều hòa không khí, ảnh hưởng lớn tới môi trường.

Giải pháp xây dựng này về lâu dài còn có điểm bất lợi là tạo ra hiện tượng tụ nước trên tường, gia tăng ẩm mốc do khí nóng kèm theo độ ẩm cao. Như vậy cho dù sử dụng thường xuyên rèm chắn sáng, các cao ốc xây kiểu này vẫn tồn tại luồng khí nóng trong nhà, khiến cho tòa nhà không những bị nóng bức mà còn bị tối hơn do thiếu nguồn ánh sáng tự nhiên.

Để giải quyết vấn đề trên, KTS Nikolaus và cộng sự đã tìm tòi và đề xuất thiết kế, lắp đặt hệ mặt dựng đặc thù cho Ngôi nhà Đức, với hai lớp kính hoàn toàn riêng biệt, phù hợp với khí hậu nhiệt đới tại Việt Nam.

Giải thích thêm, KTS Trần Công Đức, đại diện gmp tại Việt Nam, cho hay khi tòa nhà được lắp hai lớp vỏ kính, lớp bên ngoài sẽ là kính chịu lực, chắn gió và tạo đối lưu không khí với khe đẩy khí nóng lên trên, thoát ra ngoài. Lớp kính bên trong phủ màng ngăn UV và tia cực tím, đảm bảo cân bằng sức khỏe của người sử dụng công trình. Lớp lót giữa là rèm tự động, được thiết kế dạng thanh kim loại, sơn màu bạc phản quang với 80% diện tích đục lỗ, giúp chống nắng, ngăn nhiệt, song vẫn đảm bảo độ chiếu sáng vào bên trong phòng làm việc.

Nhờ thiết kế và lắp đặt mặt dựng hai lớp kính, Ngôi nhà Đức đã giảm thiểu nhu cầu sử dụng máy lạnh, tiết kiệm điện năng phải sử dụng cho việc làm mát và tăng nguồn sáng trong điều kiện khí hậu nắng nóng ở TP HCM, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn do cuộc sống đô thị gây ra. “Lợi ích từ thiết kế này chính là giảm thiểu chi phí. Ước tính, Ngôi nhà Đức tiết kiệm khoảng 35% năng lượng cho hệ thống điều hòa so với các công trình khác”, KTS Đức nói.

Không gian sảnh tầng 1 của Ngôi nhà Đức. Ảnh: gmp

Ngoài giải pháp mặt dựng hai lớp kính, để giảm thiểu tiêu thụ điện năng, Ngôi nhà Đức còn được đầu tư một số hạng mục kỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn thiết kế xanh như hệ thống điều hòa nhiệt độ có khả năng đảo nhiệt. Khi lắp hệ thống này, không khí nóng trong văn phòng được thu hồi qua thiết bị và chuyển thành năng lượng điện để tiếp tục làm lạnh cho toàn bộ văn phòng.

Ngôi nhà Đức được trang bị hệ thống xử lý nước tập trung để cung cấp nước uống tinh khiết cho toàn bộ văn phòng mà không cần dùng chai nhựa, giảm thiểu rác thải ra môi trường. Hệ thống này là tính năng đặc biệt và vượt xa tiêu chuẩn các văn phòng ở Đông Nam Á. Trên tầng mái có hệ thống thu hồi nước để tưới cây. Hệ thống thiết bị xử lý nước thải, vệ sinh đảm bảo chỉ số tiết kiệm nước, đã được cấp chứng nhận xanh về môi trường.

Cùng với đó là hệ thống đèn chiếu sáng (LED) tiết kiệm năng lượng với tuổi thọ 10 năm. Hệ thống quản lý tòa nhà thông minh IBMS có thể kiểm soát chiếu sáng, an ninh của tất cả khu vực công cộng, điều chỉnh mức độ ánh sáng ban ngày, ban đêm theo nhu cầu của người sử dụng để tiết kiệm điện.

Bên trong công trình, nhóm kiến trúc sư gmp đã nghiên cứu phân vùng chức năng hợp lý nhằm tối ưu hóa không gian, mang lại hiệu quả cao thông qua hệ thống hành lang thông thoáng, có tích hợp không gian trưng bày, khu vực hội nghị, phòng tập thể dục, nhà hàng, các khu công cộng để người làm việc thư giãn. Sân thượng là nơi sinh hoạt chung của toàn bộ tòa nhà với cách bố trí và thiết kế nội thất nghệ thuật mang đậm nét châu Âu và văn hóa Đức.

Ngôi nhà Đức được chia thành hai khối lập phương nối liền nhau bằng một khe kính trải dài theo phương đứng, thông với không gian lưu thông trung tâm, tạo thành biểu tượng về sự vững vàng. Trông xa, công trình như một tác phẩm điêu khắc, phù hợp với xu thế thiết kế đô thị mới của châu Âu.

Với thiết kế tư duy đơn giản, từ cấu trúc, khối hình, bố trí mặt bằng đến kết cấu công trình thẳng, cho đến nay Ngôi nhà Đức vẫn được giới kiến trúc sư Việt Nam coi là công trình kiến trúc điển hình của xu thế thiết kế mới.

Tòa nhà đã được tặng hai chứng nhận công trình xây dựng xanh quốc tế (giải vàng DGNB và giải Bạch Kim LEED) và nhiều danh hiệu khác như: Danh hiệu EnEff do Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức trao tặng, giải tòa nhà của năm do Tổ chức MIPIM châu Á trao tặng năm 2017, giải thưởng Kiến trúc Xanh lần thứ V năm 2020 do Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao và gần nhất là giải vàng giải thưởng Kiến trúc quốc gia Việt Nam năm 2022-2023.

Là thành viên Ban giám khảo giải thưởng Kiến trúc quốc gia, KTS Đặng Kim Khôi, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhận xét: “Ngôi nhà Đức xứng đáng là cao ốc văn phòng hạng A mang đẳng cấp quốc tế, mang đậm triết lý phong cách của người Đức là đơn giản, công năng sử dụng hiệu quả”.

Theo KTS Khôi, sự thành công của công trình là sự bề thế, trang trọng, nhưng vẫn bình dị, giản đơn. Phương pháp tư duy đơn giản từ cấu trúc hình dáng mặt ngoài đến kết cấu công trình ngay thẳng và đơn giản, nhưng mang lại hiệu quả không gian, kiến trúc sinh động. Thiết kế Ngôi nhà Đức chuẩn mực về cấu trục công trình văn phòng cao tầng từ mặt bằng sử dụng, tổ chức giao thông…, đặc biệt là giải pháp công nghệ cho tòa nhà.

Theo Đoàn Loan – VnExpress

By |2024-02-15T17:28:21+00:00February 15th, 2024|Tin tức, Tin tức thị trường|0 Comments