Đâu là giới hạn với điện gió ngoài khơi?

Đâu là giới hạn với điện gió ngoài khơi?

Đã có 157 dự án điện gió ngoài khơi với quy mô công suất hơn 61.000 MW được đề nghị khảo sát, phát triển dự án và bổ sung vào quy hoạch toàn quốc.

Đua làm điện gió ngoài khơi

Đã có 10 địa phương trong tổng số 28 địa phương có biển trên cả nước mong muốn phát triển điện gió ngoài khơi.

Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện có 157 dự án điện gió trên biển đang đề nghị khảo sát phát triển và bổ sung vào quy hoạch toàn quốc, với quy mô công suất 61.132 MW.

Để xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch nghiên cứu, xác định lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam. Theo đó, sẽ xác định cơ cấu phát triển điện gió ngoài khơi trong từng giai đoạn, các khu vực ngoài khơi tiềm năng phát triển điện gió.

Theo nghiên cứu trên, có 25 vị trí điện gió ngoài khơi với công nghệ móng cố định  và 17 vị trí điện gió ngoài khơi với công nghệ móng nổi. Trong đó, khu vực tỉnh Bình Thuận được xác định có 4 vị trí phù hợp để phát triển điện gió ngoài khơi.

Cũng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, ngoài Dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind đã nhận được chủ trương khảo sát với quy mô 3.400 MW từ Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh này cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ trương khảo sát 5 dự án điện gió ngoài khơi khác, với tổng công suất 14.200 MW.

Một là, Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn, tổng công suất 3.500 MW, theo đề xuất của Công ty cổ phần Năng lượng Dầu khí châu Á – đại diện cho các nhà đầu tư: Công ty cổ phần Năng lượng Dầu khí châu Á, Tập đoàn Copenhagen Infrastruture Partners, Công ty TNHH Novasia Enegry.

Hai là, Dự án Điện gió ngoài khơi Hàm Thuận Nam, tổng công suất 900 MW, theo đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi.

Ba là, Dự án Điện gió ngoài khơi tỉnh Bình thuận, công suất dự kiến 5.000 MW, của liên danh nhà đầu tư do Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình làm đại diện.

Bốn là, Dự án Điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong, công suất 1.000 MW, theo đề xuất của Công ty cổ phần Zarubezhneft và Công ty DEME Concessions Wind.

Năm là, Dự án Điện gió biển Cổ Thạch, tổng công suất 2.000 MW, theo đề xuất của Công ty cổ phần Đầu tư HLP.

Tính chung, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã đề xuất tới 22.200 MW điện gió trên biển.

Đâu là giới hạn?

Khó có thể phủ nhận thực tế là, sau cuộc đua làm điện mặt trời trong các năm 2018 – 2019, nay các nhà đầu tư đã đổ xô làm điện gió.

Theo thống kê của Bộ Công thương, tổng công suất điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch là 11.800 MW. Trong số này, chỉ có 3 dự án (tổng công suất lắp đặt 152,3 MW) được xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2011 – 2018. Còn từ khi có Quyết định 39/2018/QĐ-TTg (ban hành tháng 9/2018) tới tháng 3/2020, đã có 78 dự án điện gió với tổng công suất 4.800 MW được đưa vào Quy hoạch Phát triển điện lực. Tiếp đó, Thủ tướng có Văn bản 795/TTg-CN (tháng 6/2020) đồng ý về chủ trương bổ sung thêm 7.000 MW điện gió vào Quy hoạch điện hiện hành.

Trong số 11.800 MW điện gió nói trên, có 4.500 MW điện gió trên biển của khoảng 60 dự án. Như vậy, nếu cộng thêm con số 61.200 MW điện gió ngoài khơi đang được đề nghị tới Bộ Công thương, có thể thấy, mối quan tâm đến điện gió trên biển là không nhỏ.

Trước thực trạng đó, chính Bộ Công thương cũng cho rằng, cần tính toán tổng thể cơ cấu nguồn điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch Điện VIII để tránh việc thực hiện khảo sát riêng lẻ, gây lãng phí.

Cần nói thêm, theo báo cáo về khả năng giải tỏa công suất các dự án điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán theo yêu cầu của Bộ Công thương hồi tháng 8 và tháng 10/2020, thì khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận không còn khả năng giải tỏa thêm công suất các dự án năng lượng tái tạo đến năm 2023.

Điểm cũng cần lưu ý nữa, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư đang được lấy ý kiến có đưa “điện gió ngoài khơi” vào Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo các chuyên gia, các dự án điện gió ngoài khơi không chỉ thuần túy là vấn đề năng lượng, mà còn liên quan tới chủ quyền quốc gia. “Thời gian qua, đã có khá nhiều dự án năng lượng tái tạo được các nhà đầu tư trong nước đứng ra xin giấy phép đầu tư, sau đó nhanh chóng bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài để kiếm lời. Do vậy, việc ràng buộc điều kiện với các nhà đầu tư nước ngoài ở các dự án điện gió ngoài khơi là rất cần thiết, tránh những hậu quả khôn lường”, một chuyên gia về biển Đông nhận xét.

“Theo Điều 9, Luật Đầu tư (Luật số 61/2020/QH14) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, Chính phủ sẽ ban hành điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:

a) Tỷ lệ sở hữu vốn

điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;

b) Hình thức đầu tư;

c) Phạm vi hoạt động đầu tư;

d) Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;

đ) Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.”

By |2020-11-23T14:33:49+00:00November 23rd, 2020|Bản tin năng lượng, Tin tức|0 Comments