Các dự án điện mặt trời hút hàng chục nghìn tỷ vốn trái phiếu

Các dự án điện mặt trời hút hàng chục nghìn tỷ vốn trái phiếu

Không riêng bất động sản hay ngân hàng, các dự án điện mặt trời cũng ồ ạt hút vốn qua kênh trái phiếu trước “giờ G”.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang ghi nhận cuộc chạy nước rút trước thời điểm 1/9, khi nghị định mới với những ràng buộc chặt chẽ hơn về điều kiện phát hành riêng lẻ. Theo đó, không chỉ lĩnh vực bất động sản hay ngân hàng, năng lượng cũng là kênh hút vốn đang có “sức nóng” không kém cạnh.

Một dự án điện mặt trời được đầu tư, xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Anh Minh.

Chỉ trong nửa cuối tháng 8, nhóm công ty liên quan đến các dự án năng lượng của Tập đoàn Xuân Thiện đã huy động hơn 11.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Nếu tính cả đợt phát hành cuối tháng 6 từ các đơn vị thành viên khác, nhóm này đã huy động gần 13.000 tỷ đồng. Kỳ hạn các đợt huy động được trải dài từ 18 tháng đến 12 năm.

Trong đó, ngày 18/8, hai đơn vị thành viên của Tập đoàn Xuân Thiện là Công ty Xuân Thiện Đăk Lăk và Năng lượng Sơn La đã huy động tổng cộng 2.440 tỷ đồng. Tại cụm Dự án Điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp, nhóm Công ty Ea Súp 1, 2 và 3 phát hành riêng lẻ 4.900 tỷ đồng trong cùng ngày 26/8, với mỗi công ty huy động hơn 1.600 tỷ đồng. Một thành viên khác trong cụm dự án này là Ea Súp 5 cũng huy động hơn 2.100 tỷ đồng vào cuối tháng 6.

Liên quan đến Dự án điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc tại tỉnh Ninh Thuận, Công ty Xuân Thiện Thuận Bắc và Công ty Xuân Thiện Ninh Bình cũng huy động lần lượt 2.056 tỷ và 1.234 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 28/8.

Xuân Thiện không phải nhóm công ty duy nhất đẩy nhanh tốc độ huy động vốn qua thị trường trái phiếu. Trong tuần cuối tháng 8, các công ty phát triển năng lượng của Tập đoàn Hoành Sơn đã huy động gần 1.500 tỷ đồng qua kênh này. Nhóm công ty năng lượng của BCG Group huy động 220 tỷ đồng trong ngày cuối cùng của tháng 8.

Giữa năm nay, các công ty phát triển dự án điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam cũng huy động hơn 4.000 tỷ đồng, Vietracimex huy động 1.600 tỷ đồng cùng bằng phương thức phát hành riêng lẻ trái phiếu.

Ngoài cuộc chạy đua trước “giờ G”, dòng vốn chảy mạnh vào lĩnh vực năng lượng cũng phản ánh một phần đặc trưng của ngành này là lĩnh vực thâm dụng vốn và phụ thuộc nhiều vào vốn vay.

Bản cáo bạch của Tập đoàn Trường Thành – tân binh mới trên sàn HoSE cho biết, đầu tư xây dựng các dự án điện đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong đó vốn vay thường chiếm tỷ trọng cao.

Như trường hợp của Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEG), một trong những doanh nghiệp làm điện mặt trời hiếm hoi trên sàn chứng khoán, nợ phải trả chiếm hơn 60% tổng nguồn vốn hoạt động. Trong đó, nợ vay ngân hàng và trái phiếu đạt gần 3.900 tỷ đồng, chiếm 95% tổng nợ phải trả tại thời điểm cuối quý II.

Dù vậy, dòng tiền đều và ổn định của lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là điện mặt trời, giúp các doanh nghiệp này có phần tự tin dù sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Tỷ lệ biên lợi nhuận gộp phổ biến của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đạt từ 60-80% – thuộc nhóm cao nhất sàn chứng khoán, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) cùng đều trên 20%.

Theo Minh Sơn – Vnxpress.net

By |2020-09-16T15:27:44+00:00September 16th, 2020|Tin tức, Tin tức thị trường|0 Comments