Làn sóng đầu tư xây mới các khu công nghiệp

Làn sóng đầu tư xây mới các khu công nghiệp

Xu hướng dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam khiến nhu cầu thuê mặt bằng đặt nhà máy tăng cao. Đó là lý do khiến bất động sản công nghiệp hút khách.

Nhiều nhà đầu tư đang tiếp tục lên kế hoạch xây dựng mới các khu công nghiệp ở Việt Nam.

Tấp nập nhà đầu tư

Không quá dồn dập như giai đoạn trước, song nhiều nhà đầu tư đang tiếp tục lên kế hoạch xây dựng mới các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam.

Mới đây nhất, đầu tháng 8/2019, ông Vikrom Kromadit, Chủ tịch Tập đoàn Amata (Thái Lan) đã một lần nữa tới Quảng Ninh để tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại tỉnh này. Sau khi quyết định đầu tư hạ tầng KCN Sông Khoai (diện tích 714 ha, tổng vốn đầu tư 155 triệu USD) trong năm ngoái, ông Vikrom Kromadit cho biết, Amata tiếp tục theo đuổi Dự án Thành phố thông minh tại Uông Bí và Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) với diện tích 1.720 ha.

Bên cạnh đó, Amata cũng không giấu giếm tham vọng được hợp tác với các nhà đầu tư hiện hữu ở Quảng Ninh để mở rộng phát triển Khu kinh tế Vân Đồn và KCN ở huyện Hải Hà.

Theo kế hoạch, KCN Sông Khoai của Amata sẽ được đưa vào khai thác trong quý III/2020. Có nghĩa rằng, dự án đầu tư cũ còn chưa hoàn tất, thì Amata đã rất nhanh chân tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới, như cách mà họ đã không ngừng phát triển các KCN ở Đồng Nai.

Không chỉ là Amata, mà VSIP, một nhà phát triển bất động sản công nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay, cũng vừa đề xuất lên UBND tỉnh Quảng Ngãi kế hoạch mở rộng đầu tư KCN và đô thị VSIP Quảng Ngãi. Mặc dù VSIP Quảng Ngãi có tổng diện tích quy hoạch 1.746 ha, trong đó đất khu công nghiệp là 1.226 ha và khu đô thị dịch vụ là 520 ha, song sau 5 năm phát triển, nhận thấy quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp cơ bản đã gần hết, VSIP đã kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi cho phép mở rộng giai đoạn II thêm hơn 200 ha.

Được biết, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thống nhất về chủ trương cho VSIP lập khảo sát, nghiên cứu đề xuất dự án, trình UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến.

Không chỉ là nhà đầu tư nước ngoài, mà cả nhà đầu tư trong nước cũng rất quan tâm đến lĩnh vực này. Công ty cổ phần Phát triển KCN và đô thị Thủ Thiêm IDICO – CONAC vừa nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ UBND tỉnh Long An để triển khai xây dựng KCN thị trấn Thủ Thừa (Long An). Với tổng vốn đầu tư 1.568 tỷ đồng, IDICO – CONAC dự kiến sớm đầu tư hạ tầng KCN để đưa vào vận hành vào cuối năm 2021.

Không chỉ doanh nghiệp chuyên đầu tư KCN, mà ngay cả các doanh nghiệp “ngoại đạo” cũng muốn xây dựng hạ tầng KCN. Điển hình là Công ty TNHH MTV Sửa chữa ô tô Hải Phòng, với kế hoạch xây dựng KCN Bạch Đằng – Quảng Ninh, quy mô 176,5 ha, vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng…

Danh mục đầu tư hấp dẫn

Chia sẻ về kế hoạch mở rộng đầu tư ở Quảng Ninh, ông Vikrom Kromadit đã không ngần ngại cho biết, lý do Amata chọn Quảng Ninh là vì đây là địa phương đang phát triển, hạ tầng được xây dựng nhanh chóng, lãnh đạo tỉnh năng động và hiện có rất nhiều doanh nghiệp muốn đến Quảng Ninh để đầu tư.

Càng nhiều nhà đầu tư đến, bất động sản công nghiệp càng có giá. Đó là câu chuyện của không chỉ Quảng Ninh, mà của cả Việt Nam hiện nay. Xu hướng dịch chuyển sản xuất, đặc biệt từ Trung Quốc, vào Việt Nam đang đẩy nhu cầu thuê mặt bằng sản xuất lên cao và điều này đang mở ra cơ hội lớn để bất động sản công nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Theo báo cáo thị trường bất động sản quý II/2019 của Jones Lang Lasalle, nhu cầu cao đã đẩy giá thuê đất KCN ở khu vực phía Nam lên 95 USD/m2 trong mỗi chu kỳ thuê. Thậm chí, ở tỉnh Long An, giá thuê đất đã lên tới trên 100 USD, còn tại TP.HCM, con số này là 162 USD/m2 trong mỗi chu kỳ thuê.

“Giá thuê đất KCN sẽ tiếp tục tăng, do nhu cầu đang tăng cao hơn so với khả năng cung cấp, nhiều KCN vẫn đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng”, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Jones Lang Lasalle nhận định.

Trong khi đó, ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc phát triển Công ty cổ phần Long Hậu cho biết, cuối quý II/2019, tỷ lệ lấp đầy tại các KCN trong khu vực đã tăng lên khoảng 80%.

Khi tỷ lệ lấp đầy các KCN hiện hữu đã tăng cao, thì chắc chắn, các nhà đầu tư sẽ tích cực hơn trong mở rộng đầu tư các KCN mới. Đầu tư hạ tầng KCN đang ở thời kỳ “ăn nên làm ra” và đó cũng là lý do các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có kết quả kinh doanh khả quan trong thời gian gần đây.

Chẳng hạn, nửa đầu năm, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc đạt doanh thu 1.570 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 511 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 56% và 76% so với cùng kỳ năm 2018. Trong cơ cấu doanh thu của Kinh Bắc, doanh thu cho thuê đất chiếm gần 1.400 tỷ đồng, tức chiếm 87%. Trong khi đó, Công ty cổ phần KCN Nam Tân Uyên đạt lợi nhuận sau thuế sau 6 tháng là 130,5 tỷ đồng, tăng 48,76% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến cuối tháng 7 năm 2019, cả nước có 326 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt xấp xỉ 95.500 ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 65.600 ha, chiếm 68,7%.

Trong 326 KCN được thành lập, có 251 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 66.200 ha và 75 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng, với tổng diện tích 29.300 ha.

Tỷ lệ lấp đầy của các KCN đang hoạt động đạt gần 74%.

Nguyên Đức
By |2019-08-26T09:25:55+00:00August 26th, 2019|Tin tức, Tin tức thị trường|0 Comments