Đón dòng FDI chất lượng từ Hoa Kỳ

Đón dòng FDI chất lượng từ Hoa Kỳ

Sự xuất hiện của 250 doanh nghiệp, với những tên tuổi lớn như Google, Boeing…, tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ đã phần nào nói lên sự quan tâm của nhà đầu tư Hoa Kỳ tới thị trường Việt Nam.

Đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam

Mở đầu phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước, bà Natasha Ansell, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) cho biết, các công ty của Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam, tích hợp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm chất lượng cho lao động Việt Nam và mở ra một thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ.

“Quan trọng nhất, các công ty của chúng tôi hiểu mối liên kết giữa hoạt động kinh doanh và hoạt động xã hội để tiến hành kinh doanh theo cách tạo ra cả giá trị kinh tế và xã hội lâu dài”, bà Natasha Ansell nói.

Tính đến ngày 31/3/2019, tổng vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 9,15 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư lớn tại Việt Nam. Tại thời điểm này, không ít doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đàm phán để có thể đi tới quyết định đầu tư dài hạn tại Việt Nam.

Ông Charles Freeman, Phó chủ tịch cấp cao châu Á tại AmCham cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ lạc quan về tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam.

“Chúng tôi đã có kế hoạch chi tiết phác thảo một loạt khuyến nghị để tăng cường quan hệ thương mại cho giai đoạn tới. Kế hoạch này yêu cầu những công việc chuyên sâu dựa trên thỏa thuận về khung thương mại và đầu tư (TIFA) hiện có giữa hai nước với các thỏa thuận cụ thể trong các lĩnh vực như kinh tế số, hải quan – thuận lợi hóa thương mại, hạ tầng và nhiều lĩnh vực khác”, ông Charles Freeman nói.

Các doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ đã và đang bắt tay nhau để triển khai các dự án có nhiều tiềm năng trong các lĩnh vực như chế tạo – chế biến, năng lượng sạch, hàng không, y tế, dược phẩm… Trong quan hệ đó, ghi nhận vai trò dẫn dắt của những tập đoàn hàng đầu mà phần lớn họ đều có mặt tại sự kiện kỷ niệm 25 năm quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước.

Sau 25 năm quan hệ đầu tư, hàng hóa dịch vụ của Hoa Kỳ đã hiện diện trong tất cả các lĩnh vực đời sống của Việt Nam. “Người Việt Nam giờ uống Coca – Cola, tra Google, lên Facebook, mua sắm qua Amazon, bay máy bay Boeing”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói.

Còn người Mỹ cũng thích đi giày “Made in Việt Nam”, mặc quần áo sản xuất tại Việt Nam, thưởng thức tôm hay cá basa, cà phê của Việt Nam.

Nếu năm 1995, năm Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước mới dừng ở mức 450 triệu USD, thì đến năm 2018, thương mại hai chiều đã được nâng lên hơn 60 tỷ USD, gấp 133 lần so với 23 năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 47,52 tỷ USD, gấp 5 lần và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ đạt 12,75 tỷ USD, gấp 8 lần.

Để doanh nghiệp FDI không là những “ốc đảo”

Ông Lộc cho rằng, Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn phát triển mới, hướng tới một cơ cấu đầu tư và thương mại có chất lượng cao hơn, giá trị gia tăng tốt hơn và bền vững hơn, trong đó, Hoa Kỳ đang trở thành đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong hành trình thực hiện mục tiêu này.

Các doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ đã và đang bắt tay nhau để triển khai các dự án có nhiều tiềm năng trong các lĩnh vực như chế tạo – chế biến, năng lượng sạch…

“Trong thu hút FDI thời gian qua, vẫn còn những điều chưa thành công, như doanh nghiệp FDI gần như là ốc đảo trong nền kinh tế Việt Nam, không kết nối được với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nên giai đoạn tới, rất mong các doanh nghiệp Hoa Kỳ đi đầu trong việc kết nối này”, ông Lộc kỳ vọng.

Ông Lộc lý giải, doanh nghiệp FDI vào Việt Nam sản xuất kinh doanh, nhưng lại nhập vào Việt Nam toàn bộ nguyên liệu, phụ tùng công nghiệp hỗ trợ và chỉ sử dụng lao động trong nước, tận dụng tài nguyên sẵn có của ViệtNam. Do vậy, doanh nghiệp trong nước có hàng hóa nguyên liệu, nhưng không bán được cho doanh nghiệp FDI.

Một nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện năm 2018 cho thấy, ngay cả trường hợp có sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, thì đa phần các liên kết này cũng mới chỉ liên quan đến nguồn cung đầu vào không có nhiều giá trị thương mại, như vật tư, bao bì.

“Chúng ta cũng thấy vai trò vô cùng quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nên việc làm cách nào để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của 2 nước có thể tham gia vào hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai nước là điểm mấu chốt quyết định thành công”, ông Lộc nói.

Thế Hải – Baodautu.vn
By |2019-05-13T08:42:25+00:00May 13th, 2019|Tin tức, Tin tức thị trường|0 Comments