Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam: Sẽ đấu thầu quốc tế 2 giai đoạn

Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam: Sẽ đấu thầu quốc tế 2 giai đoạn

Bộ tiêu chí sàng lọc chuẩn xác để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực sự sẽ quyết định sự thành bại của Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020.

Với các dự án xây dựng đường cao tốc, doanh nghiệp trong nước rất khó đáp ứng điều kiện để tham gia đấu thầu.

Đấu thầu rộng rãi quốc tế theo 2 giai đoạn

Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư thuộc Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT), đến thời điểm hiện tại, bộ này đã phê duyệt dự án đầu tưcủa 11 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông với tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Theo Báo cáo Nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt, toàn bộ 8 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đầu tư theo hình thức PPP là dự án nhóm A, thuộc lĩnh vực đường bộ.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư (Bộ GTVT) cho biết, trong hồ sơ mời sơ tuyển, Bộ GTVT xây dựng mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng 60 điểm); năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm 30% tổng số điểm (30 điểm) và phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm 10% tổng số điểm (10 điểm).

Đối chiếu với các quy định nêu trên, việc lựa chọn nhà đầu tư phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế theo 2 giai đoạn là sơ tuyển và đấu thầu. Trong đó, giai đoạn sơ tuyển quốc tế (thực hiện trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt) sẽ đánh giá năng lực, kinh nghiệm để lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư đủ điều kiện và có điểm đánh giá cao nhất vào vòng đấu thầu; giai đoạn đấu thầu (thực hiện trên cơ trên cơ sở kết quả bước thiết kế kỹ thuật, dự toán theo Nghị quyết số 20/NQ-CP về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020) sẽ lựa chọn một nhà đầu tư đạt điểm kỹ thuật và giá gói thầu tốt nhất để thực hiện dự án.

Theo ông Huy, Bộ GTVT đang hoàn thiện hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam và dự kiến phát hành hồ sơ trong tháng 4/2019. Trong hồ sơ mời sơ tuyển, để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ GTVT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100. Trong đó, mức tối thiểu đáp ứng yêu cầu là 60% tổng số điểm (60 điểm) và điểm đánh giá từng nội dung yêu cầu cơ bản tối thiểu là 50% mức điểm tối đa của nội dung đó.

“Trường hợp liên danh, năng lực về tài chính của nhà đầu tư liên danh là tổng năng lực của các thành viên trong liên danh, đồng thời từng thành viên trong liên danh phải đáp ứng năng lực tương ứng với phần vốn góp chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh”, ông Huy cho biết.

Cơ hội hẹp cho nhà đầu tư nội

Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, dư luận không nên quan ngại về việc nhà đầu tư Việt Nam hay nhà đầu tư của một nước khác trúng thầu tại các dự án cao tốc Bắc – Nam, mà điều quan trọng nhất là nhà đầu tư trúng thầu phải làm tốt, đảm bảo tuân thủ đúng các yêu cầu đề ra.

“Quan trọng là ra đầu bài sao cho bất kể nhà đầu tư nào trúng thầu, thì chúng ta vẫn quản lý được và làm được. Hơn nữa, hợp đồng phải chặt chẽ và nghiêm chỉnh, chất lượng dự án tốt, thì chẳng có ai kêu cả. Đó mới là cái lớn”, ông Tăng chia sẻ. Ông Tăng cũng nhấn mạnh rằng, không được tự ý ban hành các tiêu chí để hạn chế hoặc ưu tiên bất cứ nhà đầu tư của quốc gia nào.

Liên quan khả năng tham gia của nhà đầu tư nội địa, theo đánh giá của các chuyên gia, nếu chiểu theo các tiêu chí trong hồ sơ mời sơ tuyển tại các dự án đã từng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư như Tân Vạn – Nhơn Trạch, Dầu Giây – Phan Thiết, thì khả năng vượt qua vòng sơ tuyển là không cao, dù thời gian qua, không ít doanh nghiệp đã đến tìm hiểu 8 dự án PPP.

Theo Bộ GTVT, việc nhà đầu tư trong nước đáp ứng các tiêu chí tối thiểu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ (như vốn chủ sở hữu bảo đảm tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư; đã triển khai dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét; dự án có vốn chủ sở hữu nhà đầu tư đã góp tối thiểu bằng yêu cầu vốn chủ sở hữu dự án đang xét; đã thi công dự án/gói thầu có giá trị bằng 30% giá trị xây lắp của dự án đang xét…) là rất hạn chế, nên sẽ phải liên danh với các nhà đầu tư khác trong và ngoài nước để bảo đảm năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu.

Ngoài ra, trong điều kiện dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng trong nước đang ở mức cao, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã ở mức giới hạn theo quy định, trong khi Ngân hàng Nhà nước chủ trương giảm dần tỷ lệ này, nên khả năng huy động nguồn vốn từ tổ chức tín dụng trong nước cũng gặp nhiều khó khăn.

Thực tiễn cho thấy, việc triển khai thành công các dự án PPP phụ thuộc rất nhiều vào thị trường (mức độ rủi ro, tính hấp dẫn của dự án, lợi nhuận các lĩnh vực khác, khả năng cung ứng nguồn tín dụng dài hạn, sự ổn định chính sách của quốc gia…). “Để nắm được chính xác khả năng tham gia của nhà đầu tư trong nước hay quốc tế, phải qua bước sơ tuyển mới đủ cơ sở để đánh giá”, lãnh đạo Vụ PPP (Bộ GTVT) nhận định.

Anh Minh – baodautu.vn
By |2019-04-22T11:23:36+00:00April 22nd, 2019|Tin tức, Tin tức thị trường|0 Comments